By: lediemquynh
Comments: 0
Trong khuôn khổ Liên minh VB4E, từ năm 2021 – 2022, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà và IUCN đã triển khai thực hiện chương trình «Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà» do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC) tài trợ.
Sau 2 năm thực hiện chương trình giám sát rạn san hô tại 03 điểm Giỏ Cùng, Vạn Tà và Ba Đình, kết quả cho thấy sức khỏe các rạn san hô ở Cát Bà ở mức trung bình. Độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng, nhưng tăng trưởng chậm, chứng tỏ đang có sự phục hồi tích cực. Thành phần loài san hô ở một số khu vực có đa dạng thấp và không có sự thay đổi so với các đợt giám sát trước đó.
Các loài sinh vật chỉ thị có mật độ rất thấp, điển hình là nhóm cá, tuy nhiên nhóm cầu gai cỡ lớn xuất hiện nhiều hơn ở tất cả các khu vực. Hiện tượng tẩy trắng san hô chỉ còn thấy xuất hiện rải rác trên một số loài san hô cành. Một số tác động chủ yếu đến hệ sinh thái rạn san hô là do hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, hoạt động dịch vụ du lịch và rác thải dưới rạn.
Qua quá trình giám sát đánh giá rạn san hô, Vườn Quốc gia Cát Bà (VQG) đã đề xuất một số biện pháp để bảo tồn hiệu quả san hô khu vực này từ vĩ mô đến vi mô như: thành lập KBTB Cát Bà, giám sát hệ sinh thái biển, nguồn lợi biển; triển khai mô hình nhân giống san hô nhân tạo, phục vụ công tác tái tạo và phục hồi rạn san hô đang bị suy thoái; tiếp tục hoạt động giám sát; thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.
Năm 2023, thông qua VB4E, THFC đã thảo luận với VQG Cát Bà về các biện pháp bảo tồn san hô được đề xuất và thống nhất hỗ trợ VQG Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo phân vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Tháng 9/2023, VQG Cát Bà đã thả phao neo đợt một tại khu vực Vạn Tà và Ba Đình. Trong thời gian tới, số phao còn lại sẽ tiếp tục được thả tại khu vực Giỏ Cùng.
Các quả phao neo sẽ được bàn giao cho các trạm Kiểm lâm địa bàn thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà để quản lý, bảo vệ. Cán bộ Kiểm lâm địa bàn sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các khu vực được thả phao trung bình 04 lượt/tháng và báo cáo theo tháng. Số lượng phao neo cũng sẽ được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm bao gồm vệ sinh hầu, hà và các sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao; sơn lại hệ thống dây và phao; thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo số thứ tự đúng vị trí cố định ban đầu.
Việc thiết lập hệ thống phao neo tại khu vực này sẽ giúp cảnh báo cho tàu thuyền không neo đậu tại vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô, không thả neo trực tiếp xuống đáy biển nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô và các sinh vật biển khác trong khu vực. Các phương tiện đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Bên cạnh đó, hệ thống phao neo cũng giúp xác định được các khu vực phân bố rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong hợp phần bảo tồn biển Vườn Quốc gia Cát Bà và hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.