By: lediemquynh
Comments: 0
Ngày 7/12/2023, Tập đoàn TH tổ chức hội thảo nói trên với sự tham gia của các cán bộ liên quan từ 14 công ty thuộc tập đoàn TH cùng các chuyên gia về chính sách môi trường, sức khỏe và IUCN. Thông qua hội thảo, tập đoàn TH mong muốn cập nhật cho các đơn vị thành viên thêm kiến thức về ô nhiễm Rác Thải Nhựa (RTN), tác hại ô nhiễm RTN tới môi trường và sức khỏe con người; và các quy định chính sách liên quan đến RTN, đặc biệt là quy định về Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Sau khi cập nhật và thảo luận về EPR (có hiệu lực vào 1/1/2024 với nhóm ngành nghề bao bì), phần lớn các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn TH đều nhận thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể góp phần bảo vệ môi trường, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp tới cuối vòng đời của sản phẩm. Từ khía cạnh quản lý, các doanh nghiệp sẽ cần xây dựng chiến lược Phát triển Bền vững, Quản trị Xã hội Môi trường (ESG), từ đó thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn, thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế theo đúng quy định nhà nước và thiết kế lại kiểu dáng bao bì sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.
Trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cũng sẽ cần chủ động hơn khi yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ, phụ trợ như đơn vị thiết kế, tư vấn, truyền thông, công nghệ thông tin, marketing & PR, nguyên cứu vật liệu đáp ứng yêu cầu về giảm hoặc thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng vật liệu sinh thái hơn.
Tại hội thảo, chuyên gia đã trình bày kết quả khảo sát nhanh mức độ nhận thức của hơn 300 cán bộ nhân viên cửa hàng TH truemart đối với sản phẩm nhựa. Kết quả cho thấy 21,4% các cán bộ được khảo sát trả lời đúng toàn bộ các kiến thức cơ bản về nhựa như nguồn gốc, phân loại nhựa, tại sao nhựa lại phổ biến và tác hại của nhựa đến môi trường,…Đặc biệt 90.9% trả lời đúng về nhựa phân hủy sinh học. Điều này cho thấy mức độ nhận thức cao của một số cán bộ nhân viên trong công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (đơn vị sở hữu TH truemart). Tuy nhiên, để biến nhận thức thành hành động thì sẽ cần thêm nhiều nguồn lực, thời gian và kinh phí thực hiện.
Đại diện 14 công ty thành viên của Tập đoàn TH đã chia sẻ nhanh về những hoạt động, dự án đã và đang thực hiện tại doanh nghiệp để giảm ô nhiễm nhựa như thu gom, tái chế vỏ hộp sữa tại trường TH và tại chuỗi cửa hàng TH Truemart (Hà Nội và Hồ Chí Minh), sử dụng thìa sữa chua phân hủy sinh học, túi ni-lông phân hủy sinh học, thiết kế bao bì theo hướng thân thiện với môi trường (bỏ màng co nắp chai nước uống, giảm lượng nhựa trên màng co lốc sữa…), kiểm soát đơn vị cung ứng theo hướng hạn chế sử dụng nhựa, nghiên cứu bao bì sản phẩm mới theo hướng tiện dụng nhưng vẫn giảm ô nhiễm môi trường, tái chế các bao bì và dây buộc thành túi/làn đi chợ,…Trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy thêm các hoạt động góp phần giảm ô nhiễm RTN tại Việt Nam.