By: lediemquynh
Comments: 0
Sau khi một loạt phương tiện truyền thông đưa tin về tình trạng san hô tại Hòn Mun chết trắng, phủ kín hàng trăm mét, ngày 27/6 Ban quản lý vịnh Nha Trang, thông báo chính thức tạm ngừng các hoạt động bơi, lặn biển ở một số khu vực trong vịnh Nha Trang, nhất là đảo Hòn Mun, cho đến khi có thông báo mới. Bài báo tham khảo: truy cập LINK
Trước mức độ suy giảm mạnh của các rạn san hô ở các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là hiện tượng san hô chết hàng loạt tại Hòn Mun, KBTB Nha Trang như được phản ánh gấn đây, trong khuôn khổ VB4E, IUCN phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cát Bà thực hiện chương trình: “Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà” do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (TH Truemart) tài trợ.
Mục đích của chương trình là tiến hành khảo sát, giám sát rạn san hô tại 03 điểm (Ba đình, Vạn tà, Giỏ cùng) thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Cát Bà làm cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý bảo vệ và bảo tồn rạn san hô. Chỉ số giám sát của chương trình bao gồm độ phủ san hô, thành phần loài san hô trong ô giám sát và loài sinh vật chỉ thị.
Ngày 29-30/6/2022, IUCN và VQG Cát Bà tổ chức họp nhằm giới thiệu về chương trình giám sát rạn san hô , báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và kế hoạch thực hiện năm 2022. Tham dự cuộc họp có đại diện của các bên liên quan như Viện Chiến lược Chính sách TNMT, Phòng NN&PTNT huyện Cát Hải, nhóm chuyên gia Viện tài nguyên môi trường biển, ban cố vấn VB4E, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế & Đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Cát Bà, Quỹ vì Tầm vóc Việt, Công ty TH Truemart, truyền hình TTX, TH Nhân Dân, TH Hà Nội, báo Lao Động, báo Pháp luật VN,…
Đến thời điểm tháng 6/2022, nhóm chuyên gia đã thực hiện được ba chuyến khảo sát san hô. Trong năm 2021, kết quả hai đợt khảo sát san hô tại VQG Cát Bà cho thấy sức khỏe các rạn san hô ở Cát Bà nhìn chung ở mức trung bình.
Đợt giám sát thứ nhất vào tháng 9/2021 cho thấy thành phần loài san hô ở các khu vực này kém đa dạng. Nền đáy nhiều trầm tích lắng đọng. Xuất hiện hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Trong đợt giám sát thứ hai vào tháng 11/2021, thành phần loài san hô ở các khu vực này kém đa dạng và không có sự thay đổi so với đợt giám sát đầu tiên. Các loài sinh vật chỉ thị có mật độ rất thấp, điển hình là nhóm cá ăn rong không xuất hiện. Hiện tượng tẩy trắng san hô đã gần như biến mất do nhiệt độ nước biển đã hạ xuống.
Trong thời gian tới, IUCN và VQG Cát Bà sẽ tiếp tục hoạt động giám sát, và phỏng vấn các bên liên quan để đánh giá tác động và bước đầu đề xuất một số biện pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại một số khu vực. Hoạt động này sẽ góp phần đưa ra cảnh báo sớm về các tác động tiêu cực đối với rạn san hô và đề xuất biện pháp bảo tồn trước khi quá muộn như các rạn san hô ở Hòn Mun, KBTB Nha Trang.