By: lediemquynh
Comments: 0
Ngày 7/12/2023, Tập đoàn TH tổ chức hội thảo nói trên với sự tham gia của các cán bộ liên quan từ 14 công ty thuộc tập đoàn TH cùng các chuyên gia về chính sách môi trường, sức khỏe và IUCN. Thông qua hội thảo, tập đoàn TH mong muốn cập nhật cho các đơn vị thành viên thêm kiến thức về ô nhiễm Rác Thải Nhựa (RTN), tác hại ô nhiễm RTN tới môi trường và sức khỏe con người; và các quy định chính sách liên quan đến RTN, đặc biệt là quy định về Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Sau khi cập nhật và thảo luận về EPR (có hiệu lực vào 1/1/2024 với nhóm ngành nghề bao bì), phần lớn các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn TH đều nhận thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể góp phần bảo vệ môi trường, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp tới cuối vòng đời của sản phẩm. Từ khía cạnh quản lý, các doanh nghiệp sẽ cần xây dựng chiến lược Phát triển Bền vững, Quản trị Xã hội Môi trường (ESG), từ đó thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn, thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế theo đúng quy định nhà nước và thiết kế lại kiểu dáng bao bì sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.
Trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cũng sẽ cần chủ động hơn khi yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ, phụ trợ như đơn vị thiết kế, tư vấn, truyền thông, công nghệ thông tin, marketing & PR, nguyên cứu vật liệu đáp ứng yêu cầu về giảm hoặc thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng vật liệu sinh thái hơn.
Tại hội thảo, chuyên gia đã trình bày kết quả khảo sát nhanh mức độ nhận thức của hơn 300 cán bộ nhân viên cửa hàng TH truemart đối với sản phẩm nhựa. Kết quả cho thấy 21,4% các cán bộ được khảo sát trả lời đúng toàn bộ các kiến thức cơ bản về nhựa như nguồn gốc, phân loại nhựa, tại sao nhựa lại phổ biến và tác hại của nhựa đến môi trường,…Đặc biệt 90.9% trả lời đúng về nhựa phân hủy sinh học. Điều này cho thấy mức độ nhận thức cao của một số cán bộ nhân viên trong công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (đơn vị sở hữu TH truemart). Tuy nhiên, để biến nhận thức thành hành động thì sẽ cần thêm nhiều nguồn lực, thời gian và kinh phí thực hiện.
Đại diện 14 công ty thành viên của Tập đoàn TH đã chia sẻ nhanh về những hoạt động, dự án đã và đang thực hiện tại doanh nghiệp để giảm ô nhiễm nhựa như thu gom, tái chế vỏ hộp sữa tại trường TH và tại chuỗi cửa hàng TH Truemart (Hà Nội và Hồ Chí Minh), sử dụng thìa sữa chua phân hủy sinh học, túi ni-lông phân hủy sinh học, thiết kế bao bì theo hướng thân thiện với môi trường (bỏ màng co nắp chai nước uống, giảm lượng nhựa trên màng co lốc sữa…), kiểm soát đơn vị cung ứng theo hướng hạn chế sử dụng nhựa, nghiên cứu bao bì sản phẩm mới theo hướng tiện dụng nhưng vẫn giảm ô nhiễm môi trường, tái chế các bao bì và dây buộc thành túi/làn đi chợ,…Trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy thêm các hoạt động góp phần giảm ô nhiễm RTN tại Việt Nam.
By: lediemquynh
Comments: 0
CAS cung cấp các giải pháp xanh và giảm thiểu tác động đến môi trường như công nghệ xây dựng sinh thái xanh, giải pháp tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn, cung cấp năng lượng có thể tái tạo và cung cấp tín chỉ carbon nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Thông tin thêm, vui lòng truy cập website: https://cas-energy.com/
By: lediemquynh
Comments: 0
Ngày 22/11/2023, IUCN cùng đại diện tập đoàn TCP Thái Lan và Việt Nam, Công ty VietCycle đã có buổi làm việc và khảo sát điểm thu gom rác thải và nhà máy tái chế nhôm AC&T Vina trong khuôn khổ khuôn khổ dự án “TCP hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy thực hành EPR tại Việt Nam”.
Với mục tiêu thí điểm thu gom tái chế rác thải nhôm, nhựa PET và bìa các-tông theo quy định của EPR, dự án sẽ góp phần xác định những vướng mắc và cơ hội cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện EPR.
Từ tháng 10/2022 – 10/2023, dự án đã thu gom được 91,3 tấn rác thải bao bì nói trên, trong đó 45 tấn đã được tái chế. Số lượng rác thải bao bì còn lại sẽ được tái chế theo quy định EPR trong thời gian tới.
By: lediemquynh
Comments: 0
Ngày 16/11/2023, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn (NAPCE) được tổ chức tại Hà Nội bởi Bộ TNMT. VB4E hân hạnh là một trong các đối tác đồng hành cùng diễn đàn.
Diễn đàn có sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ/ngành, đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Mục tiêu của Diễn đàn là thảo luận lộ trình thực hiện KTTH tại Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Hai thành viên của VB4E là tập đoàn TH và Công ty INTRACO đã tham gia hai phiên chuyên đề trình bày về (1) Thực thi ESG trong chiến lược phát triển của Tập đoàn TH và (2) Tiềm năng thị trường các-bon ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp trong lĩnh vực năng lượng.
Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn TH, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, chia sẻ: “Áp dụng ESG trong chiến lược phát triển và mô hình kinh tế tuần hoàn – kinh tế xanh như một trong những cấu phần của phát triển bền vững là định hướng của Tập đoàn TH từ khi thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, với việc Chính phủ tăng cường các khung pháp lý hướng tới bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; đồng thời xu hướng của người tiêu dùng ngày càng ủng hộ các thương hiệu và sản phẩm thân thiện môi trường, TH rất vui mừng vì có thêm nhiều sự ủng hộ và đồng hành trên con đường gian khó nhưng tất yếu này”.
Tại Phiên chuyên đề 3 của Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc INTRACO Vietnam, chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị phát triển và cung cấp tín chỉ carbon hàng đầu Việt Nam thông qua triển khai dự án trao tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng, giúp công ty quy đổi được 4,5 triệu tín chỉ carbon hàng năm. Hiện tại, Intraco đã thỏa thuận cung cấp miễn phí bếp đun tiết kiệm năng lượng và thiết bị lọc nước cho các hộ nghèo tại các thôn bản trên khắp Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án bếp đầu tiên được triển khai thành công tại Việt Nam đạt những con số ấn tượng, khoảng 850.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng và 364.000 thiết bị lọc nước được trao tận tay bà con.
Ngoài ra, trong khu vực triển lãm, VB4E đã tham gia trưng bày các sản phẩm mô hình KTTH đến từ các thành viên và đối tác của VB4E như Keep Viet Nam Clean, VSF, Lagom, DHI, CRES.
By: lediemquynh
Comments: 0
Trong khuôn khổ Liên minh VB4E, từ năm 2021 – 2022, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà và IUCN đã triển khai thực hiện chương trình «Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà» do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC), tập đoàn TH tài trợ.
Qua quá trình giám sát đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô, Vườn Quốc gia Cát Bà (VQG) đã đề xuất một số biện pháp để bảo tồn hiệu quả san hô tại khu vực này từ vĩ mô như: thành lập KBTB Cát Bà, giám sát hệ sinh thái biển, nguồn lợi biển; đến vi mô như triển khai vườn ươm giống san hô nhằm phục vụ công tác tái tạo và phục hồi rạn san hô đang bị suy thoái; tiếp tục hoạt động giám sát; thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.
Năm 2023, IUCN, TH đã thảo luận với VQG Cát Bà về các biện pháp bảo tồn san hô được đề xuất và thống nhất hỗ trợ VQG Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo bảo vệ tại Vạn Tà, Giỏ Cùng và Ba Đình, bảo vệ 29,5 hecta diện tích mặt biển khu vực có rạn san hô phân bố.
Từ 6-7/11/2023, đại diện IUCN, tập đoàn TH, THFC, VQG Cát Bà và các chuyên gia đã tham dự cuộc họp tổng kết chương trình 2023 và thả phao tại khu vực Giỏ Cùng. Tại cuộc họp, đại diện các bên đã thảo luận kế hoạch hoạt động 2024 nhằm mở rộng hoạt động phao neo tại các điểm khác và khả năng triển khai mô hình nhân giống loài san hô bản địa tại khu vực Giỏ Cùng tạo nguồn giống, phục hồi san hô tại VQG Cát Bà. Trước đó, trong tháng 9/2023, VQG Cát Bà đã tiến hành thả phao neo đợt một tại khu vực Vạn Tà và Ba Đình. Phao sau khi thả sẽ được bàn giao cho các trạm Kiểm lâm thuộc địa bàn Vườn Quốc gia Cát Bà để quản lý, bảo vệ. Cán bộ Kiểm lâm địa bàn sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các khu vực được thả phao trung bình 04 lượt/tháng và báo cáo theo tháng. Phao neo cũng sẽ được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm, bao gồm vệ sinh hầu, hà và các sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao; sơn lại hệ thống dây và phao; thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo số thứ tự đúng vị trí cố định ban đầu.
Việc thiết lập hệ thống phao neo giúp xác định được các khu vực phân bố rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong hợp phần bảo tồn biển Vườn Quốc gia Cát Bà và hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.
Hệ thống phao neo tại khu vực này còn giúp cảnh báo cho tàu thuyền không neo đậu, thả neo trực tiếp xuống đáy biển nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô và các sinh vật biển khác trong khu vực. Đồng thời, giúp cho các phương tiện đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
By: lediemquynh
Comments: 0
Vào ngày 26-28 tháng 9 năm 2023, IUCN phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen (NR) tổ chức sự kiện thiên nhiên và nghệ thuật với chủ đề “Em yêu thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen” tại Trường Tiểu học Vĩnh Châu A, Vĩnh Lợi và Trường TH&THCS Vĩnh Đại tại tỉnh Long An. Mục đích của cuộc thi là để giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh vùng đệm Láng Sen về bảo tồn vùng đất ngập nước.
Năm 2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam (là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu) và thứ 2.227 trên thế giới. Ba vùng đệm Vĩnh Châu A, Vĩnh Đại và Vĩnh Lợi thuộc huyện Tân Hưng có diện tích 5.000 ha một số đồng cỏ ngập nước theo mùa cuối cùng còn sót lại trên toàn bộ khu vực Đồng Tháp Mười.
Sự kiện này nằm trong dự án kéo dài 2 năm do Tập đoàn PAN và Tập đoàn CP tài trợ nhằm trồng 17 ha rừng tràm tại KBT, bao gồm cuộc thi vẽ tranh bằng chất liệu acrylic trên vải ở mỗi trường. Vẽ tranh trên canvas bằng acrylics là một phương tiện phức tạp hơn về mặt kỹ thuật những sẽ bền hơn nhiều so với bút chì màu mà học sinh thường sử dụng.
Hơn 500 học sinh và 60 giáo viên đã tham gia sự kiện cùng đại diện PAN, CP, IUCN và giới truyền thông.
Tại cuộc thi vẽ tranh, mỗi trường đã công bố 10 giải: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Người đoạt giải nhất mỗi trường sẽ tham gia vẽ một bức tranh khổ lớn hơn để triển lãm tại văn phòng.
“Em vẽ những con sếu đầu đỏ vì em thích chúng và em muốn thể hiện vẻ đẹp của những sinh vật sống ở vùng đất ngập nước. Em mong muốn được truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã đến cộng đồng” Võ Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 9, trường Vĩnh Châu A đạt giải nhất cho biết. Hà Bảo Châu, học sinh lớp 7, chia sẻ “Em rất hào hứng khi được học cách pha màu acrylic và vẽ trên chất liệu canvas”. Cô đoạt giải Nhì với bức tranh cánh đồng sen nở rộ.
Đây là lần đầu tiên các em sử dụng chất liệu acrylic trên canvas và nhanh chóng thành thạo để vẽ nên những bức tranh đầy màu sắc thể hiện vẻ đẹp của vùng đất ngập nước tự nhiên và các loài bản địa như hoa sen và sếu đầu đỏ. Học sinh còn tham gia trò chơi hỏi đáp về các kiến thức liên quan đến đa dạng sinh học hay các thông tin cơ bản về Khu Bảo tồn ĐNN Láng Sen
Thông qua nghệ thuật, học sinh có thể tiếp thu và chia sẻ kiến thức về vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long theo những cách sáng tạo và dễ tiếp cận hơn, đồng thời hy vọng sẽ góp phần bảo tồn vùng đất ngập nước.
By: lediemquynh
Comments: 0
Từ ngày 4-5/10/2023, UNDP, IUCN, UNEP và Tổ chức Doanh nghiệp và Nhân quyền Châu Á phối hợp tổ chức Hội nghị khu vực về Sự bền vững của Doanh nghiệp và Quyền Môi trường ở Châu Á (CSERA) tại Băng-Cốc, Thái Lan.
Mục tiêu của hội nghị là trao đổi về vai trò của doanh nghiệp và nhà nước nhằm thúc đẩy một môi trường bền vững và trong sạch và quyền được hưởng những lợi ích đó; tăng cường đối thoại về các quy định pháp lý mới có tác động đến đa dạng sinh học, quyền con người và môi trường, chiến lược giảm các-bon/thị trường các-bon và báo cáo ESG.
Tham dự hội nghị có sự tham gia của CEO, CFO, Giám đốc của các doanh nghiệp trong ngành tài chính, quỹ đầu tư, đại diện chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, chuyên gia, các nhà nghiên cứu và báo chí.
Sau Hội nghị về Biến đổi Khí hậu COP 27 và Hội nghị COP 15 về Đa dạng Sinh học, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận thấy cần phải xây dựng và áp dụng các chính sách để giải quyết các vấn đề môi trường tại Châu Á. Trong khi một số doanh nghiệp đang thực hiện các biện pháp tích cực để giảm lượng khí thải các-bon và khí mê-tan, giảm các rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng và áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, thì vẫn còn nhiều nội dung quan trọng khác cần được thực hiện nhằm đổi mới và thúc đẩy hành động vì sự bền vững của doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy – Giám đốc Phát triển Bền vững Tập đoàn TH – đã tham dự hội nghị và trình bày về định hướng phát triển bền vững của tập đoàn, những nỗ lực mà doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua bao gồm việc trở thành đồng sáng lập VB4E (một nền tảng huy động doanh nghiệp tham gia vào bảo vệ môi trường), đồng sáng lập PRO Việt Nam (Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam) và thành viên Plastic Alliance (Liên minh các nhà bán lẻ giảm sử dụng túi ni-lông).
Trong thời gian qua TH đã thực hiện hàng loạt giải pháp như thay thế túi nilon, thìa nhựa, ống hút nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, tập đoàn đã cắt giảm sử dụng nhựa bằng cách giảm trọng lượng nhựa trên màng co và bao bì sản phẩm. Cụ thể, TH đã cắt giảm ½ thìa sữa chua ăn và tiến tới cắt giảm 100% trong tương lai. TH đã bỏ màng co nắp chai trên tất cả các sản phẩm True WATER. Tổng lượng nhựa mà TH đã giảm thải được từ nỗ lực này lên tới khoảng 500 tấn/năm.
Với vai trò đồng sáng lập VB4E, tập đoàn TH không chỉ thực hiện những sáng kiến và giải pháp giảm ô nhiễm nhựa nói trên mà còn thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học cùng IUCN và Vườn Quốc gia Cát Bà, đồng hành cùng VB4E thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng tham gia vào bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
By: lediemquynh
Comments: 0
Trong khuôn khổ Liên minh VB4E, từ năm 2021 – 2022, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà và IUCN đã triển khai thực hiện chương trình «Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà» do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC) tài trợ.
Sau 2 năm thực hiện chương trình giám sát rạn san hô tại 03 điểm Giỏ Cùng, Vạn Tà và Ba Đình, kết quả cho thấy sức khỏe các rạn san hô ở Cát Bà ở mức trung bình. Độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng, nhưng tăng trưởng chậm, chứng tỏ đang có sự phục hồi tích cực. Thành phần loài san hô ở một số khu vực có đa dạng thấp và không có sự thay đổi so với các đợt giám sát trước đó.
Các loài sinh vật chỉ thị có mật độ rất thấp, điển hình là nhóm cá, tuy nhiên nhóm cầu gai cỡ lớn xuất hiện nhiều hơn ở tất cả các khu vực. Hiện tượng tẩy trắng san hô chỉ còn thấy xuất hiện rải rác trên một số loài san hô cành. Một số tác động chủ yếu đến hệ sinh thái rạn san hô là do hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, hoạt động dịch vụ du lịch và rác thải dưới rạn.
Qua quá trình giám sát đánh giá rạn san hô, Vườn Quốc gia Cát Bà (VQG) đã đề xuất một số biện pháp để bảo tồn hiệu quả san hô khu vực này từ vĩ mô đến vi mô như: thành lập KBTB Cát Bà, giám sát hệ sinh thái biển, nguồn lợi biển; triển khai mô hình nhân giống san hô nhân tạo, phục vụ công tác tái tạo và phục hồi rạn san hô đang bị suy thoái; tiếp tục hoạt động giám sát; thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.
Năm 2023, thông qua VB4E, THFC đã thảo luận với VQG Cát Bà về các biện pháp bảo tồn san hô được đề xuất và thống nhất hỗ trợ VQG Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo phân vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Tháng 9/2023, VQG Cát Bà đã thả phao neo đợt một tại khu vực Vạn Tà và Ba Đình. Trong thời gian tới, số phao còn lại sẽ tiếp tục được thả tại khu vực Giỏ Cùng.
Các quả phao neo sẽ được bàn giao cho các trạm Kiểm lâm địa bàn thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà để quản lý, bảo vệ. Cán bộ Kiểm lâm địa bàn sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các khu vực được thả phao trung bình 04 lượt/tháng và báo cáo theo tháng. Số lượng phao neo cũng sẽ được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm bao gồm vệ sinh hầu, hà và các sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao; sơn lại hệ thống dây và phao; thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo số thứ tự đúng vị trí cố định ban đầu.
Việc thiết lập hệ thống phao neo tại khu vực này sẽ giúp cảnh báo cho tàu thuyền không neo đậu tại vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô, không thả neo trực tiếp xuống đáy biển nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô và các sinh vật biển khác trong khu vực. Các phương tiện đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Bên cạnh đó, hệ thống phao neo cũng giúp xác định được các khu vực phân bố rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong hợp phần bảo tồn biển Vườn Quốc gia Cát Bà và hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.
By: lediemquynh
Comments: 0
Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu thông qua khả năng hấp thụ carbon gấp năm lần so với rừng mưa nhiệt đới và bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách cung cấp môi trường sống tự nhiên cho các loài thủy sinh. Tuy nhiên, do sự phát triển nóng của các điểm du lịch và sự phát triển của các trang trại nuôi tôm, hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn đang biến mất.
Ngày 5 – 6/09/2023 đại diện IUCN đã được mời tham gia hội thảo “KHỞI NGUỒN CHO SỰ PHỤC HỒI: PHỤC HỒI RỪNG NGẬP MẶN TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG” do doanh nghiệp xã hội Manglub tổ chức đã diễn ra tại TP Trà Vinh. Manglub cũng là thành viên của dự án VB4E do IUCN điều phối. Hội thảo trình bày về một số chính sách môi trường và khủng hoảng khí hậu của Việt Nam;chia sẻ chiến lược khôi phục rừng ngập mặn ở tỉnh Trà Vinh; hình thức khôi phục rừng ngập mặn của các công ty nhằm thảo luận các giải pháp khắc phục khủng hoảng khí hậu. Hội thảo được tổ chức bởi doanh nghiệp xã hội Manglub – thành viên mở rộng của Liên minh VB4E do IUCN điều phối.
Từ năm 2018 Manglub bắt đầu nhận tài trợ từ tập đoàn dầu mỏ và năng lượng thay thế SK (Hàn Quốc) thông qua công ty SK Innovation và SK Earthon. Tính đến nay Manglub đã trồng 727,000 cây ngập mặn gồm “đước” và “bần chua” trên diện tích 193 ha tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Ngoài ra trong khuôn khổ chương trình “Seeds for Sea” đại diện SK innovation đã trao tặng 2,000 cây giống gõ nước cho địa phương.
Là một tổ chức hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn đất ngập nước, IUCN đã và đang hỗ trợ các sáng kiến phục hồi rừng ngập mặn như một giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) bởiừng ngập mặn có khả năng hấp thụ CO2, giữ lại trầm tích, bù đắp mực nước biển dâng và bảo vệ trước thiên tai. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn cung cấp đa dạng sinh học và nguồn sống dồi dào cho các cộng đồng ven biển.
By: lediemquynh
Comments: 0
Tập đoàn HRK đã trở thành thành viên mở rộng của VB4E.
Tập đoàn HRK là doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm đóng gói và sử dụng một lần có thể phân hủy sinh học.
Công nghệ của HRK tập trung vào các polyme sinh học có thể phân hủy sinh học, có thể phân hủy và hòa tan trong nước 100% để tạo ra bao bì cải tiến cũng như các mặt hàng sử dụng một lần.
Mục tiêu là có thể phân hủy hoàn toàn trong thời gian ngắn sau khi sử dụng và không tạo ra các hóa chất, hạt vi nhựa gây hại cho tương lai cho con người.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: https://www.hrk-group.com/