Đưa nông nghiệp nổi từ Bangladesh đến Việt Nam
Nông nghiệp nổi là tập quán lâu đời ở Bangladesh. Bài viết dưới đây của chuyên gia Haseeb Md. Irfanullah thuộc IUCN Bangladesh về việc đưa hệ thống canh tác truyền thống nổi tiếng này tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đổi thay ở Đồng bằng sông Cửu Long
An Giang và các tỉnh lân cận đang thực hiện hệ thống nông nghiệp ‘3 năm 8 vụ’: vào năm thứ ba trong chu kỳ 3 năm thì các cánh đồng sẽ không canh tác trong thời gian thường trồng cấy vụ thứ ba để nước lũ tràn vào ruộng bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
Nếu các vùng ngập lũ có thể mang lại lợi ích kinh tế ở mức chấp nhận được thông qua các phương thức nông nghiệp thay thế sáng tạo thì lũ lụt nên được đưa vào ruộng thường xuyên hơn để cải thiện độ phì của đất. Theo cách này, ĐBSCL, từng là vùng ngập lũ tự nhiên, có thể phần nào trở lại trạng thái ban đầu.
Sau bốn thập kỷ thâm canh lúa, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Do đó, chính sách an ninh lương thực ‘ưu tiên trồng lúa’ cần được xem xét lại, tạo cơ hội cho canh tác thay thế và đổi mới hệ thống nông nghiệp.
Để khai thác những cơ hội này, gần đây văn phòng IUCN Việt Nam đã bắt đầu các sáng kiến nhằm xác định, thử nghiệm và thúc đẩy nông nghiệp dựa vào lũ lụt ở ĐBSCL.
Là một phần của dự án này, IUCN tại Việt Nam và Bangladesh làm việc cùng nhau để thí điểm mô hình nông nghiệp nổi ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Nông nghiệp truyền thống từ Bangladesh
Nông nghiệp nổi là phương thức truyền thống ở khu vực trung nam Bangladesh. 20 năm qua, IUCN, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ Bangladesh đã và đang xúc tiến phương thức này ở các vùng khác nhằm tăng cường an ninh dinh dưỡng và tạo sinh kế thay thế, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công nghệ cơ bản rất đơn giản: sử dụng cây lục bình có sẵn để kết lại thành giàn nổi dày và phân hủy theo thời gian. Cây con giống được ươm, cây trồng canh tác luôn trên chính mặt giàn nổi thối rữa trong suốt thời gian lũ lụt vốn không dễ tìm ra đất nền khô.
Giới thiệu nông nghiệp nổi cho Việt Nam
Mới đây, tôi chia sẻ kinh nghiệm của Bangladesh về nông nghiệp nổi trong vài thập kỷ qua với một nhóm các nhà nông nghiệp, nông dân, giới chức chính phủ, học giả và nhà nghiên cứu từ An Giang và các tỉnh lân cận.
Sau đó là buổi tập huấn về chuẩn bị mặt giàn nổi và kỹ thuật canh tác. Cuối cùng, một cuộc trình diễn thực tế về làm nền giàn nổi, gieo hạt và chuyển cây con được thực hiện ở huyện Tri Tôn, trên diện tích mặt nước phía sau một trang trại của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO) – đối tác của IUCN.
Tôi đã thảo luận thẳng thắn với nhóm về thực tế rằng dù đã được IPCC, UNFCCC và FAO công nhận, nông nghiệp nổi cũng có một số hạn chế cố hữu như phụ thuộc vào mức độ sẵn có của lục bình, lũ đến và thời kỳ tồn tại của lũ, độ nhạy cảm của giàn nổi trước thiên tai và ô nhiễm nước lũ.
Bangladesh cũng nhìn ra được một số thách thức ảnh hưởng đến thành công của nông nghiệp nổi tại những khu vực mới áp dụng mô hình, chẳng hạn như bỏ qua bước nghiên cứu và đánh giá trong khi giới thiệu sáng kiến hoặc không tính đến mô hình kinh doanh để duy trì hoạt động nông nghiệp này ra ngoài phạm vi ban đầu của dự án.
Áp dụng vào hành động
Lắng nghe kinh nghiệm của Bangladesh, nhóm Việt Nam tìm hiểu những thách thức và cơ hội tiềm tàng cho canh tác nổi ở ĐBSCL.
Những năm gần đây, đặc biệt là trong mùa lũ, khu vực này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động. Do đó, chi phí nhân công cao được xác định là một thách thức đối với việc làm nền giàn nổi. Để khắc phục điều này, các giải pháp thay thế cho ‘mô hình nền lục bình dày’ của Bangladesh được đề xuất.
Các giàn nổi được làm bằng cách buộc các thân cây chuối lại với nhau, trên đó sẽ rải một lớp mỏng lục bình rữa nát để trồng trọt. Các giàn bằng tre cũng có thể được sử dụng và tái sử dụng hàng năm để rải lớp lục bình mỏng hơn, giảm chi phí làm nền.
Canh tác nổi có thể là trở thành vụ chính hay không cũng đã được thảo luận. Một mô hình đã được đề xuất là nông dân nghèo có thể nâng cao tay nghề làm giàn nổi để bán cho những nông dân có điều kiện kinh tế hơn.
Để hệ thống nông nghiệp này có lợi nhuận, cây trồng có giá trị cao cần được canh tác trên các giàn nổi. Những khu vực tiềm năng khác ở ĐBSCL cũng được tìm hiểu xem nơi nào nên xúc tiến hệ thống này trong cộng đồng không có nhiều lựa chọn sinh kế.
Hợp tác ở hai cấp tạo cơ sở vững chắc cho việc canh tác nổi ở Việt Nam – điều còn thiếu ở Bangladesh. Trước hết, khi tôi viết bài báo này, Đại học Khoa học Tự nhiên đang thử nghiệm nồng độ kim loại nặng trong nền nổi cũng như trong các loại rau trồng trên đó để xác định khả năng tích tụ nguyên tố độc hại.
Thứ hai, quan hệ đối tác giữa IUCN và ANTESCO khiến dự án thí điểm – bao gồm các hoạt động đào tạo, trình diễn thực địa và chăm sóc cây con trên nền giàn nổi – trở nên khả thi. Thu hút những công ty khác quan tâm đến mô hình này sẽ thúc đẩy nông nghiệp dựa vào lũ lụt ở Khu vực Mê Kông.
Thí điểm nông nghiệp nổi ở Việt Nam, với sự hợp tác của Bangladesh, là ví dụ điển hình về cách các quốc gia ở nam bán cầu có thể giúp đỡ lẫn nhau qua chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và chuyên môn.
Dự án thí điểm nông nghiệp nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long do IUCN Việt Nam hỗ trợ với nguồn tài trợ từ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) và Quỹ Coca Cola. Các chuyên gia Andrew Wyatt, Tăng Phương Giản và Tiền Trinh thuộc IUCN Việt Nam đã lên ý tưởng, lập kế hoạch và tổ chức thí điểm với sự hỗ trợ từ chuyên gia Haseeb Md. Irfanullah thuộc IUCN Bangladesh.