Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là một cách tiếp cận chính sách môi trường trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.*
Mặc dù, ý tưởng về thực hiện EPR đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) từ năm 2005, tuy nhiên kết quả thực hiện còn rất khiêm tốn. Luật BVMT thế hệ thứ 4 được Quốc hội thông qua tháng 11 năm 2020 đã có những thay đổi lớn trong đó quy định về EPR được ghi tại điều 54 (trách nhiệm tái chế chất thải) và điều 55 (trách nhiệm xử lý chất thải).
Dự thảo EPR được áp dụng đối với các 06 loại sản phẩm, bao bì gồm Pin và ắc quy, thiết bị điện tử, dầu nhớt, săm lốp, phương tiện giao thông và các loại bao bì được đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc.
Dự thảo quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) hiện đang được lấy ý kiến tham vấn các bên liên quan. Tính đến tháng 8/2021, đã có rất nhiều hội thảo tham vấn được tổ chức. Nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều về dự thảo nghị định đã được nêu ra đặc biệt từ phía doanh nghiệp bởi lẽ khi EPR khi được thi hành sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn đối với cả môi trường, sự vận hành của hoạt động kinh tế và xã hội và ảnh hưởng tới lợi ích của một số ngành. Do dó, việc truyền tải thông tin chính xác, rõ ràng về nội dung EPR và dự thảo nghị định là việc rất cần thiết.
Với mục đích giúp các nhà báo nắm vững thông tin cập nhật về EPR, tạo cầu nối truyền tải, phổ biến thông tin về EPR chính xác và kịp thời nhất tới bạn đọc bao gồm các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng, ngày 15-16/6/2021, IUCN phối hợp cùng Vụ pháp chế, Bộ TNMT tổ chức hội thảo tập huấn báo chí online về EPR. Tham gia hội thảo tập huấn có sự tham gia của 13 báo, đài, truyền hình như Đài THVN, VOV2, VNExpress, Báo Công Thương, Báo Tuổi trẻ, Báo Xây dựng, Báo TNMT,…
Khảo sát trước và sau tập huấn cho thấy mức độ hiểu biết về EPR của các nhà báo đã tăng lên nhiều: 25% nhà báo không hiểu gì về EPR trước khi tham gia tập huấn giảm xuống còn 0% sau khi tập huấn. 25% nhà báo đánh giá mức độ hiểu biết về EPR ở mức tương đối cao và sau tập huấn con con số này tăng lên 60%. Đây là một sự thay đổi đáng kể về nhận thức của nhà báo đối với một chủ đề mới như EPR.
Phóng viên Lan Phương từ VTV1 chia sẻ “Đây là hội thảo tập huấn đầu tiên về EPR được IUCN tổ chức với sự tham gia của nhiều phóng viên, biên tập các cơ quan Báo, Đài TW; là sự khởi đầu cho rất nhiều hoạt động truyền thông và liên tục về EPR sau này. Tập huấn cũng giúp các phóng viên hiểu được những khái niệm cơ bản, mục tiêu và nội dung mà tới đây EPR được áp dụng như thế nào, những đối tượng liên quan, và cơ chế vận hành,…”.