Tuy nhiên, ý tưởng bảo tồn những vùng đồng cỏ tự nhiên rộng lớn đã biến mất bởi nỗ lực tăng diện tích đất sản xuát lúa gạo qua việc mở rộng đê điều, kênh rạch và cống. Những khoản đầu tư này đã phá hủy gần như tất cả các đồng cỏ năn và cỏ bàng và làm thay đổi hệ sinh thái và thủy văn của vùng thượng lưu đồng bằng.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Phú Mỹ, nằm cách biên giới Campuchia chỉ vài km, là một trong những đồng cỏ tự nhiên cuối cùng của châu thổ. Khi địa điểm lần đầu tiên được đề xuất bảo vệ hợp pháp vào đầu những năm 2000, khu vực này có diện tích 2.300 ha. Tuy nhiên, khi được thành lập vào năm 2016, diện tích đã bị thu hẹp xuống còn 1.200 ha do bị lấn chiếm bởi đất nông nghiệp. Số lượng sếu đầu đỏ trong mùa khô giảm từ 200 con năm 2015 xuống còn 13 con vào năm 2022.
Năm 2012, IUCN đã hoàn thành kế hoạch hành động đa dạng sinh học cho công ty xi măng Holcim, công ty có nhà máy ở Hòn Chông gần Phú Mỹ. Bên trong nhà máy là một vùng đất ngập nước rộng 130 ha đang được khai thác để lấy đất sét sản xuất xi măng. IUCN đề xuất Holcim hỗ trợ bảo tồn Phú Mỹ nhằm bù đắp đa dạng sinh học cho vùng đất ngập nước bị mất. Holcim đã hỗ trợ các biện pháp can thiệp khác nhau bao gồm cung cấp nước mùa khô và hỗ trợ nghề thủ công từ cỏ bàng cho các cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn và công ty không muốn đầu tư thêm cho đến khi tình hình ổn định.
Năm 2019 (lúc đó nhà máy xi măng Holcim đã được mua lại bởi Siam City Cement Company, công ty xi măng của Thái Lan, và đổi tên thành INSEE), IUCN đã ủy thác tiến sĩ Triết, hiện là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức sếu quốc tế có trụ sở tại Wisconsin, và một nhóm các nhà nghiên cứu địa phương, tiến hành phân tích tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Phú Mỹ. Nghiên cứu khuyến nghị xây dựng một con đê chạy xung quanh một phần Phú Mỹ để ngăn chặn xâm lấn tiếp diễn và bảo vệ khu vực này trước sự xâm nhập của nước biển vào mùa khô. Vào năm 2021, IUCN đã tiếp tục thực hiện một nghiên cứu của Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia nổi tiếng về đất ngập nước tại Đại học Cần Thơ, và đã xác nhận khuyến nghị này.
Vào năm 2022, tỉnh đã chi 500.000 đô la từ quỹ của tỉnh để đào một con kênh xung quanh gần như toàn bộ khu vực và đền bù cho nông dân, chủ yếu là người dân tộc Khmer, với các yêu sách bên trong khu vực. Biện pháp này có thể được coi là cực đoan, tuy nhiên Elinor Ostrom, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2009 nhờ công trình quản lý các nguồn tài nguyên “chung”, đã xác định ranh giới rõ ràng là yếu tố thành công hàng đầu.
Vào tháng 4 năm 2023, Tiến sĩ Triết và một nhóm từ IUCN và INSEE đã đến thăm Phú Mỹ. Đoàn đã nhìn thấy con kênh, cửa cống và con đê từ đất đào lên, nhiều văn phòng mới và một tháp canh. Giám đốc khu bảo tồn đã nhờ đoán giúp làm một con đường trên đỉnh đê để thuận tiện cho việc tuần tra và trồng tràm hai bên bờ đê. Đoàn cũng đề xuất nghiên cứu điều kiện nước trong đê làm cơ sở vận hành cống. Điều cần thiết là giữ cho nước có tính axit (vì đây là điều kiện tự nhiên do đất phèn) để hỗ trợ sự sinh sôi của cỏ năn và cỏ bàng, cũng như quần thể sếu đầu đỏ.
Về lâu dài, có thể mở rộng diện tích đồng cỏ tự nhiên bằng cách trồng cỏ bàng ở vùng đệm Phú Mỹ. Kể từ năm 2017, chính phủ đã quyết định giảm thâm canh sản xuất lúa ở đồng bằng. Điều này giúp tầm nhìn của tiến sĩ Triết về việc bảo tồn một vùng đồng cỏ tự nhiên và bán tự nhiên rộng lớn trở nên khả thi, giữ được phần lớn tính đa dạng sinh học ban đầu dù phải chịu ảnh hưởng từ việc sản xuất của con người